Là một nhân vật độc đáo của Nam Bộ thế kỷ XX, tướng Tô Ký không chỉ có nhiều công lao về quân sự mà cả trong xây dựng kinh tế, đặc biệt là ngành dầu khí nước ta trong buổi đầu xây dựng. Ông cũng xứng đáng với danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang mà Nhà nước truy tặng. Đằng sau sự nghiệp của ông luôn có điểm tựa gia đình vững chắc với người bạn đời là Trần Thị Tân, mà đám cưới của họ giữa chiến khu cũng là giai thoại đẹp…

Những câu chuyện ly kỳ thời hỗn quân hỗn quan

Có thể nói việc Trung tướng Nguyễn Bình được những nhân vật như Trần Văn Trà, Tô Ký, Dương Văn Dương, Huỳnh Văn Nghệ, Huỳnh Văn Trí, Hứa Văn Yến, Nguyễn Văn Trí, Nguyễn Văn Mạnh, Mai Văn Vĩnh, Dương Văn Hà, Trần Văn Quới,… ủng hộ là điều hết sức quan trọng. Và việc thống nhất các lực lượng vũ trang Nam Bộ có một ý nghĩa to lớn, tạo nên sức mạnh tổng hợp chiến tranh nhân dân, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống Pháp đi đến thắng lợi. Tuy nhiên, để thực hiện được nhiệm vụ ấy giữa thời kỳ hỗn quân hỗn quan nhiều đối kháng, lại bị địch luôn âm mưu chia rẽ, là điều chẳng dễ dàng…

Thiếu tướng Tô KýThiếu tướng Tô Ký cho biết, ở quận Thủ Đức có ấp An Điền nằm trong làng Bình Qưới, là nơi khai sinh bộ đội An Điền nổi tiếng lập nhiều chiến công đánh Tây. Người của ấp này chủ yếu là dân thổ mộ, chạy xe ngựa từ Thủ Đức vào nội thành Sài Gòn, nhưng quan tâm tới chuyện ăn học của con cái, trong đó có Trần Văn Qưới vốn là sinh viên luật đã xếp bút nghiên lãnh đạo nhân dân ấp An Điền chống Pháp. Trần Văn Qưới hợp cùng Nguyễn Văn Hoài ở thị trấn Thủ Đức từng đi lính cho Pháp và một vài người nữa thành bộ chỉ huy, thu nạp thêm công nhân cao su, thành lực lượng mạnh, đánh chiếm đồn Thủ Đức của Pháp, tổ chức mít tinh tại chợ Thủ Đức, được các ông Nguyễn Văn Trấn và Huỳnh Tấn Phát về dự, phổ biến chính sách Việt Minh. Bộ đội An Điền còn đánh nhiều trận ra trò ở bến đò Bình Qưới, Chợ Nhỏ, Dốc 47,… được tướng Nguyễn Bình viết thư khen và tặng tiền khao quân.

Tuy nhiên, trong lực lượng bộ đội An Điền có tay Bùi Hữu Phiệt vốn chỉ huy Đệ nhị sư đoàn mới dẫn toán quân gia nhập, tỏ ý chống đối Nguyễn Bình, tìm cách liên lạc với Bình Xuyên, lại mê cầu cơ và giao du với Nguyễn Thành Long là người dựa hơi Cao Đài tỏ ra cao ngạo. Tháng 5 năm 1946, khi bộ đội An Điền tập kết lên Vĩnh Lộc ở Bình Chánh, Bùi Hữu Phiệt nhận thấy bị Chi đội 12 của Tô Ký theo dõi và chặn lại tại Bà Quẹo, liền la lên: “Tụi nó muốn giết tôi! Tụi nó muốn giết tôi!”, đòi chuyển quân đi nơi khác. Chỉ huy trưởng Trần Văn Qưới cười bảo: “Anh làm gì sai trái mà người ta giết?” và kiên quyết đưa quân tới trú tại Vĩnh Lộc.

Bị động do không quen địa hình Vĩnh Lộc, nên khi quân Pháp tấn công, bộ đội An Điền phải rút xuống bưng và bị thiệt hại tới 70 trong số gần 300 chiến sĩ. Ngày đau thương này về sau trở thành ngày giỗ hội của vùng Vĩnh Lộc thương tiếc những người hy sinh. Điều đáng nói là Bùi Hữu Phiệt cùng tay chân lúc đó biến mất. Rồi trên đường về lại Thủ Đức, Nguyễn Văn Hoài bị bắn chết. Sau này, Trần Văn Qưới mới biết ông và Nguyễn Văn Hoài bị hai tên Bùi Hữu Phiệt và Nguyễn Thành Long âm mưu thủ tiêu để cướp lực lượng bộ đội An Điền. Hai tên phản động này đã chạy về thành Sài Gòn tham gia Liên hiệp Quốc gia do Pháp dựng lên chống Việt Minh…

Gia đình Thiếu tướng Tô Ký đón Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng đến thăm năm 1970 ở Hà Nội

Thiếu tướng Tô Ký cho hay, do không tín nhiệm 4 sư đoàn hỗn tạp buổi đầu chống Pháp, nên Trung tướng Nguyễn Bình đã quyết định cho giải tán, khởi đầu từ Đệ tam sư đoàn. Nguyễn Hoà Hiệp dẫn sư đoàn này chạy về Đồng Tháp Mười cướp bóc, tới khi thấy quân Pháp xuống uy hiếp vùng này thì lại chạy lên miền Đông. Tư lệnh Nguyễn Bình điện cho Chỉ huy trưởng Huỳnh Văn Một của Chi đội 15, với lực lượng nòng cốt từ Giải phóng quân liên quận Hóc Môn – Bà Điểm – Đức Hoà, tước vũ khí quân lính của Nguyễn Hoà Hiệp. Còn Chi đội 12 của Tô Ký khi cần sẽ tiếp ứng.

Từ Đức Hoà, Chỉ huy trưởng Huỳnh Văn Một cho quân giả làm người dân đưa ghe xuồng rước binh lính Đệ tam sư đoàn qua sông Vàm Cỏ, chia thành toán nhỏ để phân tán chúng rồi đưa vào nhà dân cho nghỉ ngơi ăn uống. Ông cũng bí mật cho một lực lượng giả làm dân hiếu kỳ đi xem và tước hết vũ khí của Đệ tam sư đoàn. Bị mắc mưu của Huỳnh Văn Một, Nguyễn Hoà Hiệp dẫn bộ sậu bỏ chạy…

Trong số những anh chị giang hồ hảo hán Nam Bộ bấy giờ có một gương mặt rất nổi bật là Mười Trí, tức Huỳnh Văn Trí, một mạnh thường quân luôn dung nạp những người sa cơ thất thế. Mười Trí là Chỉ huy trưởng Chi đội 4 khá mạnh đóng quân bên sông Vàm Cỏ Đông, biến nơi đây như “tụ nghĩa đường”. Lợi dụng sự nghĩa hiệp của ông, những tay cơ hội chỉ huy Đệ tam sư đoàn trước đây như Nguyễn Hoà Hiệp, Lại Văn Sang, Lại Hữu Tài, Lý Hồng Chương,… chạy về xin tá túc.

Hai chỉ huy Đệ nhị sư đoàn là Vũ Tam Anh và Bùi Hữu Phiệt cũng đang náu mình ở “tụ nghĩa đường” và bày mưu cùng Đại đội trưởng Sáu Section – một tay chân thân cận Mười Trí, hãm hại Nguyễn Bình. Họ viết thư giả chữ ký Huỳnh Văn Trí mời Nguyễn Bình tới Chi đội 4 dùng cơm thân mật, rồi bố trí một xạ thủ núp kín trong miếu hoang bên song để ra tay giết tướng độc nhãn.

Tổng hành dinh Trung tướng Nguyễn Bình đang đóng gần Chi đội 4. Sau khi nhận thư có chữ ký Huỳnh Văn Trí, chiều hôm sau ông một mình đến. Hay tin, Đại đội trưởng Hứa Văn Yến ngăn cản, nói rằng nơi đóng quân của Mười Trí hỗn tạp như cái chợ, không nên qua. Thế nhưng Nguyễn Bình vẫn tự tin dắt khẩu súng lục Wicker bên hông xuống xuồng tam bản.

Nhìn thấy tướng độc nhãn bơi xuồng một mình, ba tên Vũ Tam Anh, Bùi Hữu Phiệt và Sáu Section vô cùng mừng rỡ. Thấy xuồng tam bản tới gần mà xạ thủ chưa bóp cò, Sáu Section nóng lòng hô “Bắn đi!”, làm xạ thủ giật mình chỉ bắn trúng bả vai và cánh tay mặt của Nguyễn Bình. Vị tướng ngã xấp xuống xuồng, dùng tay trái móc khẩu Wicker đưa lên miệng đẩy chốt an toàn và bắn đáp trả. Tên xạ thủ tiếp tục nhả đạn về phía ông. Hai bên bắn nhau liên hồi, đạn bay vèo vèo trên bờ dưới sông. Ở tình thế bất lợi, tính mạng tướng Nguyễn Bình rất mong manh. Nhưng bất ngờ trên bờ sông súng bỗng nổ vang. Vũ Tam Anh, Bùi Hữu Phiệt, Sáu Section và tên xạ thủ bỏ chạy thục mạng. Đội bảo vệ tướng Nguyễn Bình do Hoàng Thọ chỉ huy đã kịp thời có mặt. Dưới sông, Hứa Văn Yến cũng dẫn theo ba người lính cận vệ bơi xuồng tới nơi, vội vàng đưa tướng Nguyễn Bình về quân y chữa trị vết thương.

Suốt đêm tức giận không ngủ, sáng hôm sau Trung tướng Nguyễn Bình cùng đội bảo vệ sang Chi đội 4. Mười Trí vui mừng ra đón, thấy vị tướng băng bó cả mình và nghe kể lại chuyện mưu sát hôm qua, ông nổi trận lôi đình lệnh tụ tập hết binh lính. Kiểm quân, Mười Trí thấy vắng Vũ Tam Anh, Bùi Hữu Phiệt, Sáu Section.Vậy là đã rõ. Mười Trí chân thành xin lỗi, mời Nguyễn Bình ở lại dùng cơm, uống rượu và hứa sẽ giải quyết vụ việc tới cùng…

Nhớ lại những chuyện trên, tướng Tô Ký muốn nói về sự khó khăn phức tạp trong việc thống nhất các lực lượng vũ trang Nam Bộ thời chống Pháp, mà công lao của Trung tướng Nguyễn Bình là không tả xiết!

Đám cưới giữa chiến khu

Hội nghị Quân sự Nam Bộ cuối năm 1945 do Nguyễn Bình tổ chức ở An Phú xã, tỉnh Gia Định đã quyết định thành lập các Chi đội Vệ quốc đoàn, tương đương trung đoàn sau này. Tô Ký được cử làm Chi đội trưởng 12 với lực lượng nòng cốt từ Giải phóng liên quận Hóc Môn – Bà Điểm – Đức Hoà. Từ năm 1947 đến 1950, ông được đề bạt làm Phó Tư lệnh Khu 7 kiêm Tư lệnh Đặc khu Sài Gòn – Chợ Lớn. Năm 1951, ông lại về làm Bí thư Tỉnh uỷ kiêm Tỉnh đội trưởng Gia Định. Đến năm 1954, Hiệp định Geneve đình chiến được ký kết, ông được phân công Trưởng ban Chuyển quân tập kết khu Hàm Tân, Xuyên Mộc để ra Bắc.

Vợ chồng Tô Ký – Trần Thị Tân thời trẻ, năm 1954

Những hình ảnh ghi lại về tướng Tô Ký thời gian này rất oai phong, trong đó có bức ảnh chụp năm 1949 mặc quân phục, đội calô. Bận rộn với công tác chỉ huy chiến trường, mải mê lo đánh giặc, nhưng cuối cùng lòng ông cũng rung động trước một bông hoa hương sắc. Đó là Trần Thị Tân người Hóc Môn, một gái xinh đẹp, đảm đang nổi bật trong Giải phóng quân liên quận. Vốn sinh ra trong một gia đình và quê hương giàu truyền thống yêu nước, Trần Thị Tân được học hết tiểu học, say mê những trang sử chống ngoại xâm của dân tộc. Phía mẹ bà Trần Thị Tân có người bà con là vợ của ông Đặng Công Bỉnh, thường gọi Chín Bỉnh, vốn là tay giang hồ hảo hán về sau tham gia cách mạng, làm tổng chỉ huy các cánh quân ở Hóc Môn trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ cuối năm 1940. Đặng Công Bỉnh đã bị thực dân Pháp bắt và tử hình cùng lúc với nhiều lãnh tụ cộng sản vào năm 1941, để lại trong dân gian nhiều giai thoại. Tấm gương dũng cảm, khí phách của dượng Chín Bỉnh đã để lại ấn tượng xúc động trong lòng cháu gái Trần Thị Tân. Cách mạng tháng Tám bùng nổ, bà Tân hăm hở trong đội ngũ Thanh niên Tiền phong, rồi vào chiến khu tham gia Giải phóng quân liên quận Hóc Môn – Bà Điểm – Đức Hoà.

Mối tình giữa Chỉ huy trưởng Tô Ký và nữ chiến sĩ Trần Thị Tân nảy nở trên chiến khu. Bà bảo lúc ấy có nhiều chàng trai trong và ngoài đơn vị thích mình, nhưng tài năng và tấm lòng nghĩa hiệp của ông Tô Ký chinh phục bà lúc nào chẳng hay. Không chỉ riêng bà, mà ông luôn quan tâm chăm sóc từng người lính, thu phục cả nhiều tay anh chị “cứng đầu” vào đội ngũ kháng chiến.

Yêu nhau, hai người còn làm thơ tặng nhau. Nhờ ông truyền lửa mà ham mê đọc sách, bổ sung nhiều kiến thức. Đám cưới trên chiến trường giữa Tô Ký và Trần Thị Tân diễn ra giản dị, tươi vui. Có một vị khách đặc biệt cưỡi ngựa đến tham dự là Nguyễn Bình – Đặc phái viên Bộ Tổng tư lệnh. Chỉ một tháng sau khi Nguyễn Bình vào Nam Bộ, Tô Ký đã gặp ông ở Hội nghị Quân sự An Phú xã và gắn bó với nhau từ ấy. Nhớ lại ngày vui đời mình, tướng Tô Ký nói: “Nguyễn Bình là cấp trên trực tiếp, lại sống làm việc chung với tôi tình thân như anh cả, nên việc anh đến dự đám cưới lúc đó xem như chủ hôn cũng được. Tôi nhớ khi tới dự, anh Ba đi ngựa. Anh cưỡi ngựa giỏi như bắn súng”.

Kể từ đó mối tình Tô Ký – Trần Thị Tân ngày càng bền chặt.Những lúc khó khăn nhất của đời ông luôn có bà bên cạnh chia sẻ, động viên. Với bà, ông chẳng những là vị chỉ huy bản lĩnh, kiên cường mà còn là người anh lớn thân thiết, người yêu, người chồng thuỷ chung, chu đáo và suốt đời ông luôn lo lắng cho người khác hơn bản thân mình. Đã thành vợ chồng, hai người thi thoảng vẫn làm thơ tặng nhau. Khi ông vĩnh viễn ra đi vào năm 1999, giữa nỗi đau tột cùng bà viết một bài thơ dài ca ngợi cuộc đời trung kiên nghĩa hiệp của phu quân, được chuyển thể vọng cổ rất mùi mẫn. Hình ảnh tướng Tô Ký là thần tượng của nhiều người Nam Bộ, mà trước tiên là của chính người bạn đời, bạn chiến đấu Trần Thị Tân.

Chạy từng cái ăn cái mặc cho ngành dầu khí

Năm 1954, tập kết ra Bắc, Thiếu tướng Tô Ký lần lượt nhận nhiệm vụ Tư lệnh kiêm Chính uỷ Sư đoàn 338, Chánh án Toà án Quân sự trung ương, Phó Chánh án Toà án Nhân dân tối cao, Chính uỷ kiêm Bí thư Quân khu uỷ Quân khu Hữu Ngạn, Tư lệnh kiêm Chính uỷ Quân khu 3. Đứng trước tình hình căng thẳng do bộ đội tập kết từ miền Nam muốn sớm trở về giải phóng quê hương, Tô Ký đã gặp gỡ thuyết phục ổn thoả từng đơn vị, cá nhân chờ chỉ thị của Trung ương. Sau đó ông điều động 4000 quân dự bị về miền Nam chiến đấu, tiếp nhận và điều trị hàng vạn thương binh từ chiến trường…

Thiếu tướng Tô Ký cũng chỉ huy bộ đội xây dựng 7 nông trường kinh tế, tích cực tham gia công trình thuỷ lợi Bắc Hưng Hải, đắp đê Chương Mỹ, Mai Lâm,… Đặc biệt, khi nước nhà thống nhất, sắp nghỉ hưu, nhờ uy tín và tính cách “Anh Ba” Nam Bộ, ông còn được Trung ương biệt phái sang đặc trách công tác dầu khí ở phía Nam, sát cánh cùng tướng Đinh Đức Thiện xây dựng ngành kinh tế mũi nhọn còn non trẻ này. Tô Ký để lại nhiều giai thoại xúc động khi lo chạy tiền, lương thực, thực phẩm, vải vóc… giữa hoàn cảnh đầy khó khăn thiếu thốn để nuôi người lao động ngành dầu khí. Mà thời bao cấp, việc vận chuyển hàng hoá từ tỉnh này sang tỉnh khác rất gian nan, nhưng cánh lái xe chỉ cần đưa ra tời giấy có ký tên “Tô Ký”, chẳng cần có con dấu, là được qua trạm qua phà. Đủ biết uy tín ông ở Nam Bộ có sức lan toả chừng nào. Ông được ngành dầu khí xem như “cây đũa thần” mang lại nhiều điều kỳ diệu…

Nguyên Tư lệnh kiêm Chính uỷ Quân đoàn 4 Nguyễn Văn Quảng đã nói rất đúng về Thiếu tướng Tô Ký: “Được Đảng và nhân dân tín nhiệm giao anh nhiều trọng trách, suốt cuộc đời cách mạng mà anh từng tự giác lao vào từ giữa những năm 30 tóc xanh rực lửa đến buổi đầu bạc dạn dày. Nhiệm vụ nào, khó khăn bao nhiêu anh đều hoàn thành; gian nan và thử thách hiểm nguy nhứt đến tánh mạng có lẽ là lúc trong lao tù đế quốc ở Tà Lài, anh không hề nao núng. Cơ thể và nghị lực anh như “thép được tôi luyện”, như “vàng qua lửa đỏ” đã đưa anh vững bước trên các chặng đường”.

Cả đời vào tù ra khám, xông pha trận mạc, ra Bắc vào Nam, xê dịch không ngừng, bây giờ thì “hùm xám” Tô Ký đã mãi mãi trở về an nghỉ tại khu vườn ấu thơ yên tĩnh quê hương. Ông nằm thanh thản giữa hương đồng gió nội của Mười tám thôn vườn trầu âm vang những huyền thoại về một danh tướng nghĩa khí và anh hùng.

Tô Ký – “Hùm xám” Mười tám thôn vườn trầu (Kỳ 2)Không chỉ dũng cảm, kiên cường mà Tô Ký còn là người có tầm nhìn xa trông rộng và giàu lòng nhân ái, có sức thuyết phục ngay cả kẻ thù. Sau khi thoát khỏi tù ngục thực dân, ông tham gia Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám và kháng chiến chống Pháp tái xâm lược. Tô Ký sát cánh cùng Trần Văn Trà nổi lên thành những vị chỉ huy quân sự hàng đầu của Nam Bộ, sáng lập Giải phóng quân liên quận Hóc Môn – Bà Điểm – Đức Hoà, tổ chức quân sự đầu tiên do Đảng Cộng sản lãnh đạo ở chiến trường phương Nam, rồi tận tình giúp Trung tướng Nguyễn Bình thống nhất các lực lượng vũ trang giữa thời kỳ “hỗn quân hỗn quan” đầy phức tạp của những năm đầu đánh Pháp…
Tô Ký – “Hùm xám” Mười tám thôn vườn trầu (Kỳ 1)Hướng đến kỷ niệm 41 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2016), Tạp chí Khoa học thời đại trân trọng giới thiệu ký sự về các tướng lĩnh trong hai cuộc kháng chiến cứu nước thần thánh của dân tộc, mà cuộc đời và sự nghiệp của họ từng gắn bó với chiến trường trọng điểm miền Đông gian lao và anh dũng, trong đó có Bình Phước. Các ký sự do Nhà thơ, Nhà báo Phan Hoàng thực hiện trong quá trình anh trực tiếp gặp gỡ, phỏng vấn các nhân vật và tập hợp tư liệu.  

PHAN HOÀNG

Leave feedback about this

  • Rating